'Mất ít nhất 3-4 năm để đưa nguồn điện mới vào'

Thiếu điện ở miền Bắc đã được cảnh báo, nhưng để có nguồn điện mới vào vận hành phải mất ít nhất 3-4 năm, theo Phó viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường.

Tại chuyên đề về năng lượng thuộc Diễn đàn cấp cao thường niên về công nghiệp 4.0 sáng 14/6, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường, cho rằng thiếu điện ở miền Bắc gần đây thực tế đã được cảnh báo vài năm trước. Nhưng để đưa vào được nguồn điện mới phải cần ít nhất 3-4 năm, thậm chí lâu hơn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Năng lượng và Môi trường. Ảnh: Ban Kinh tế Trung ương

Thực tế, theo quy định, các dự án điện từ lúc phê duyệt chủ trương đầu tư tới khi vận hành trải qua thời gian dài chuẩn bị thủ tục lập dự án, giải phóng mặt bằng hay thu xếp vốn. "Khó khăn lớn nhất với dự án điện là khâu giải phóng mặt bằng. Chỉ một hộ dân không đồng thuận đền bù, di dời là dự án có nguy cơ bị chậm", đại diện một đơn vị đầu tư các dự án điện tại miền Trung chia sẻ.

Tức là, dự án điện được phê duyệt chủ trương đầu tư không có nghĩa 6 tháng hay một năm là có thể phát điện được hay, mà cần ít nhất vài năm mới có thể đưa vào vận hành.

Chưa kể, nhiều dự án nguồn điện lớn chậm tiến độ nhiều năm so với quy hoạch được duyệt do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, như khó khăn chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, chủ đầu tư, đàm phán hợp đồng BOT mất nhiều thời gian hay tổng thầu không đáp ứng yêu cầu tiến độ. Điều này cũng được Bộ Công Thương thừa nhận trong báo cáo đánh giá triển khai các dự án nguồn, lưới điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Vì thế ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đảm bảo an ninh năng lượng phải chuẩn bị làm từ rất sớm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế trung ương nhận xét, nhu cầu của Việt Nam đang phát triển rất nhanh trong khi nguồn cung trong nước không đủ, nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch. Vì thế, ông Hiển nói cần sớm có cơ chế đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng. Việc này sẽ giúp Việt Nam chủ động về năng lượng trong bối cảnh đã phải nhập khẩu các nguồn nhiên liệu sơ cấp (than, dầu, khí) từ 2015.

Gần ba tuần qua, miền Bắc thường xuyên bị mất điện khi bước vào mùa khô. Lượng điện tiêu thụ bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng trước đó.

Thủy điện, một trong hai nguồn cung điện chính cho miền Bắc đang sụt giảm huy động vì hạn hán. Ngày 13/6, một số thủy điện phát điện cầm chừng, công suất thấp để đảm bảo cung ứng điện, như Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát, Thác Bà, Tuyên Quang, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ.

Bộ Công Thương cho biết, nguồn than cho sản xuất điện đủ, nhưng do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy vẫn gặp sự cố. Trong đó, công suất các nhà máy nhiệt than gặp sự cố dài ngày khoảng 2.100 MW, ngắn ngày là 910 MW.

Cũng theo Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Quy hoạch điện VIII xác định mục tiêu cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7% một năm đến 2030 và 6,5-7,5% một năm tới 2050. Quy hoạch này cũng đưa ra kịch bản phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện.

Theo đó, ông Hiển cho rằng, Việt Nam cần tập trung phát triển lưu trữ điện năng, công nghệ thu hồi và sử dụng carbon.

Nói thêm về năng lượng tái tạo, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tiềm năng của điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả, Việt Nam cần phát triển lưới điện đồng bộ, hệ thống lưu trữ và có chính sách để loại nguồn điện này đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Ông Tuấn cũng lưu ý vấn đề tiết kiệm năng lượng bởi đây được xem là khoản đầu tư có chi phí thấp nhất trong khi dư địa còn rất lớn. Đây cũng là xu hướng được các nước châu Âu sử dụng và khuyến nghị.

Tin tức liên quan